Cách chăm sóc Cá Hồng Nhung/Hồng Tử Kỳ tốt nhất

 

Cách chăm sóc Cá Hồng Nhung/Hồng Tử Kỳ tốt nhất

Cá hồng nhung hay cá hồng tử kỳ là loài cá nước ngọt phổ biến và cũng dễ để nuôi, phù hợp cho những người mới nuôi hoặc những người muốn nuôi loại cá không cần chăm sóc nhiều. 

Trong bài viết này mình sẽ nói về cách chăm sóc, bạn cùng bể và cách nuôi sinh sản loài cá này. 

Về cá Hồng Nhung

Cá hồng nhung có tên khoa học là Hyphessobrycon eques. Chúng có tên gọi như vậy bởi vì cá hồng nhung có màu cam đỏ nhẹ nhàng với những mảng đen nhỏ phía rìa vây lưng. Chúng là loài cá thuộc họ tetra. Giống như các loài tetra khác là cá hồng nhung, cá sóc đầu đỏ,… Cá hồng nhung có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khu vực sông Amazon chảy qua Argentina, Brazil, Paraguay, Peru, Bolivia. 

Thông thường chúng sống tại những dòng sông có dòng chảy chậm với nước đục. Cá hồng tử kì dành hầu hết thời gian bơi ở phía dưới đáy sông để lẩn trốn kẻ săn mồi. Tuy vậy, khi nuôi trong bể cá chúng sẽ bơi nhiều ở tầng giữa bể hơn. 

Cá hồng nhung có tuổi thọ trung bình vào khoảng 5-7 năm. Đây là tuổi thọ chung của hầu hết các loài cá thuộc họ cá tetra. Tuổi thọ của cá có thể bi ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có chế độ cho ăn, môi trường nuôi và bạn cùng bể. 

Ngoại hình và kích thước

Cá hồng nhung

Cá hồng nhung có thân hình thoi với bộ vây ngắn. Điểm nổi bật nhất của loài cá này là màu sắc của chúng. Cá thường sẽ có màu cam đỏ. Tuy nhiên một số con cá có thể có màu sắc khác như là nâu đỏ, nâu ô liu,… Vảy cá hồng nhung lấp lánh, bạn có thể thấy chúng rõ hơn trong điều kiện ánh sáng tốt. Độ bóng của vảy có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường nước và chế độ ăn. 

Cá hồng nhung có đốm đen ở phía vây lưng và mang. Khi cá già đi thì đốm đen ở mang có thể biến mất dần. 

Cá đực và cá cái không có nhiều điểm khác biệt. Thông thường thì cá cái sẽ kém nổi bật và có màu sắc nhạt hơn so với con đực. Khi vào thời điểm sinh sản thì cá cái sẽ nhìn béo, tròn hơn. 

Cá hồng nhung trưởng thành sẽ có chiều dài khoảng 4cm, đôi khi có thể lên tới 5cm nhưng sẽ hiếm, đặc biệt là khi nuôi trong bể cá tại nhà. 

Cách chăm sóc cho cá hồng nhung

Cá hồng nhung là loài cá dễ chăm sóc, sống khỏe. Cá không yêu cầu cao về chất lượng nước và chế độ ăn. Chúng là loài cá ưa hoạt động nhưng sẽ không hung dữ, có thể được nuôi trong những bể cộng đồng. 

Tuy vậy không có nghĩa là bạn để mặc cá và mong chúng tự sống được. Giống như mọi loài cá khác, chúng vẫn cần thông số nước, môi trường và chế độ ăn nhất định. Chăm sóc cá đúng cách có thể giúp cá hồng nhung tránh bị bệnh và sống được lâu hơn. 

Kích thước bể

Cá hồng nhung không phải là loài cá lớn vậy nên bạn không cần phải nuôi chúng trong bể quá lớn. Bạn không nên nuôi cá một mình bởi chúng là loài cá bơi đàn. Cá hồng nhung nên được nuôi theo đàn ít nhất là từ 6 con trở lên. Kích thước bể tối thiểu để cho một đàn là vào khoảng 30 lít. Bể càng to thì càng tốt, kích thước bể phù hợp nhất cho một đàn là vào khoảng 60 lít. 

Dù cá không quá lớn nhưng chúng vẫn là loài ưa hoạt động và bơi nhanh. Nuôi cá trong bể quá bé sẽ khiến cho cá bị stress và dễ bị bệnh. 

Thông số nước

Như đã nhắc đến bên trên, cá hồng nhung sống trong những khu vực nước đen có dòng chảy chậm, có nhiều lá khô. Nếu có thể thì bạn nên cho bể một ít lá bàng khô để có thể hạ pH và cung cấp nước đen, mô phỏng lại môi trường của cá. 

Cá hồng nhung thích nước hơi ấm, mềm và hơi mang tính axit. Trước khi thả cá thì bạn cũng nên chạy lọc cho bể khoảng một tuần để bể có thể cycle đầy đủ, tránh việc thông số nước bị dao động quá nhanh khi mới thả cá. 

Thông số nước để nuôi cá là:

  • Nhiệt độ nước: 23 – 28 °C
  • Độ pH: 5 – 7.8
  • Độ cứng: 80-300 ppm

Bạn có thể không quá để ý đến thông số nước, miễn là bạn có thể giữ được cho môi trường sống của cá hồng nhung ổn định. Cá hồng nhung có thể sống được kể cả khi thông số nước lệch một tẹo. Tuy nhiên, cá sẽ bị nhạy cảm với thay đổi môi trường nước đột ngột. 

Vậy nên, giữ cho chất lượng nước ổn định là chìa khóa để cá sống khỏe. Để làm vậy thì bể nuôi cá hồng nhung phải có lọc tốt với vật liệu lọc sinh học đầy đủ.  Bạn nên thực hiện thay khoảng 10-15% lượng nước bể cộng với hút cặn đáy hàng tuần hoặc hai tuần một lần nếu bể nuôi ít cá. 

Bể nuôi nên có kích thước tốt. Bể càng to thì nước sẽ càng ổn định và bạn sẽ càng ít phải thay nước cũng như hút cặn đáy hơn. 

Bể nuôi cá hồng nhung cũng nên được trồng thêm cây thủy sinh. Ngoài tác dụng cung cấp cho cá chỗ trốn, cho bể thêm đẹp thì cây thủy sinh còn có tác dụng lọc nước. Các loại cây tốt là cây mọc nhanh và mọc cao, như là các loại rong hoặc cây cắt cắm. Bể có nhiều cây cối sẽ giúp cá có khu vực tối để nghỉ ngơi, trốn, giúp mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của cá tốt hơn. 

Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể thủy sinh

Cá Hồng Nhung ăn gì?

Để cá cảnh có thể khỏe mạnh thì bạn phải để ý đến nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài việc đảm bảo nước bể luôn sạch thì bạn cũng phải đảm bảo cho cá có chế độ ăn đa dạng, chất lượng và đầy đủ chất. 

Cho cá ăn đúng loại thức ăn và đúng cách không chỉ giúp cho cá tránh được các loại bệnh tật mà còn giúp chúng lên màu đẹp, năng động hơn. Hơn hết nữa cho cá ăn đúng cách cũng giúp bạn kiểm soát được vấn đề về rêu hại và chất lượng nước luôn được đảm bảo. 

Cá hồng nhung là loài ăn tạp. Chúng cần phải cho ăn thức ăn đa dạng dể có thể có đủ chất, lên màu đẹp. Thực đơn chính của cá hồng nhung nên là các loại đồ ăn khô như là cám Thái (lazada)Thức ăn Aquafin (lazada). Mình thường dùng cám thái để cho các loại cá nhỏ như là cá hồng nhung ăn. 

Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm cho cá thức ăn tươi sống, đông lạnh một đến hai lần một tuần. Các loại thức ăn tươi kể đến là trùn chỉ, trùn huyết, artemia, bobo,…

Cá chỉ nên được cho ăn 1-2 lần một ngày và chỉ nên được cho ăn vừa đủ để ăn hết dưới 3 phút. Nếu bạn cho cá ăn quá nhiều thì cá có thể bị phình bụng, để lại thức ăn thừa. Thức ăn thừa tích tụ bên dưới đáy bể có thể dễ dàng tạo chất độc và khiến cá bị bệnh. 

Cá hồng nhung nuôi chung với cá gì?

Nếu bạn muốn cá hồng nhung khỏe mạnh thì bạn cũng cần phải cân nhắc kĩ trước khi chọn loài cá cùng bể để nuôi chung với cá hồng nhung. Chúng có thể được nuôi chung với các loài không quá to, hiền lành khác. 

Đôi khi cá hồng nhung có thể rỉa vây cá khác. Vì vậy bạn nên tránh nuôi chúng cá với các loài cá có bộ vây quá dài hoặc bơi chậm như là cá betta, sọc ngựa cánh tiên, khi nuôi chung cá hồng nhung với cá bảy màu bạn nên quan sát kĩ để tách riêng cá ra nếu chúng có hành vi rỉa vây. Nuôi cá theo đàn sẽ giúp hạn chế hành vi này ở cá bởi khi đó chúng sẽ tương tác với các con cá cùng loài trong đàn nhiều hơn. 

Các loài cá phù hợp có thể kể đến là:

  • Sóc đầu đỏ
  • Ember tetra
  • Cá mún
  • Cá bình tích
  • Cá chuột

Các loại bệnh phổ biến ở cá hồng nhung

Cá hồng nhung có thể bị bệnh nếu môi trường nước không đảm bảo. Cá có thể bị các bệnh về nấm, vi khuẩn, virus, ký kinh. Một số căn bệnh phổ biến có thể kể đến là:

  • Cá bị phình bụng
  • Cá bỏ ăn
  • Cá bị nấm trắng
  • Cá bị đục mắt
  • Cá bị thối vây
  • Cá bị thối thân

Cách phòng bệnh cho cá hồng nhung 

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thối vây cũng như vô số căn bệnh khác ở cá là đảm bảo nước bể của bạn luôn sạch và được chăm sóc thường xuyên. 

Để làm vậy thì bạn cần phải thực hiện thay nước cho bể định kỳ. Tối ưu nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần với nước sạch đã được khử clo. 

Bạn cũng nên tránh nuôi quá nhiều cá bởi lượng phân thải sẽ quá nhiều hoặc các loại cá khác nhau sẽ rỉa vây của loài cá yếu hơn. 

Bạn cũng nên kiểm tra mức độ tương thích của từng loài cá trước khi nuôi chung chúng trong cùng một bể. 

Bạn không nên cho cá ăn quá nhiều, chỉ cho cá ăn mỗi lần lượng thức ăn chất lượng tốt vừa đủ để chúng có thể ăn hết trong vòng 3 phút. Càng nhiều thức ăn thừa thì khả năng vi khuẩn có hại và chất độc trong nước càng tăng cao. 

Khi cho cá ăn bạn cũng nên quan sát kĩ cá để phát hiện được các dấu hiệu sớm bệnh để có thể kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.

Sinh sản cá hồng nhung  

Nuôi cá hồng nhung sinh sản có thể sẽ hơi khó so với các loài cá khác như là bảy màu, mún, két panda, betta,.. Đầu tiên là bạn không nên nuôi chúng sinh sản trong bể cộng đồng. Bạn cần phải có bể riêng để cá sinh sản. Cá khi đạt hai tháng rưỡi tuổi sẽ đủ tuổi để sinh sản. 

Cá hồng nhung cái sẽ mang trứng cho đến khi chúng chuẩn bị đẻ. Khi cá sắp đẻ thì bạn sẽ bụng chúng càng lúc càng phình to hơn. Trong thời gian này, cá đực cũng sẽ bắt đầu đuổi cá cái nhiều hơn. 

Tuy nhiên, cá đực cũng có thể đuổi cá cái để thụ tinh cho trứng do cá cái đã bắt đầu đẻ rồi. 

Vậy nên nếu bạn muốn tách cá ra bể sinh sản riêng thì bạn nên tách cá khi phát hiện cá cái có bụng to. 

Khi đó bạn cần tách cá đực và cái ra bể sinh sản riêng. Bể sinh sản nên có thể tích tối thiểu vào khoảng 5 lít hoặc hơn, có nhiều xơ dừa hoặc là các loại cá cây khô để có thể bảo vệ trứng cá. Cá hồng nhung sinh sản tương đối khó, chúng sẽ không đẻ trừ khi môi trường nước giống như ngoài tự nhiên của cá. Vì vậy bạn cần phải sử dụng nước mềm, tốt nhất là nước lọc RO. Bạn cũng nên ngâm thêm một hoặc hai cái lá bàng khô để tạo nước đen, đồng thời hạ pH trong nước. Bể sinh sản không cần lọc hoặc sử dụng lọc vi sinh. Bể nên được đặt ở nơi tối, tránh người qua lại. 

Nếu thành công, bạn có thể phát hiện thấy những quả trứng nhỏ li ti dưới đáy bể vào 1-2 ngày sau. Mỗi lần đẻ, cá hồng nhung cái có thể đẻ từ 50-150 trứng. Tỉ lệ nở thành công sẽ khoảng 50%. Tức là sẽ có nhiều quả trứng có thể hỏng. 

Khi phát hiện cá đã đẻ, bạn cần tách riêng cá bố mẹ ra, nhỏ xanh methylen (lazada) vào bể trứng theo liều lượng khuyên dùng để ngăn ngừa nấm trên trứng. 

Sau khoảng 24 tiếng, cá con sẽ nở. Cá hồng nhung bột nhỏ hơn nhiều so với cá bột của các loài khác. Vậy nên trong tuần đầu bạn không nên cho chúng ăn các loại thức ăn quá lớn. Bạn có thể cho chúng ăn trùng cỏ hoặc là một ít lòng đỏ trứng trong khoảng thời gian này. Khi cá đã bắt đầu lớn hơn thì bạn có thể sử dụng artemia, kết hợp với thức ăn khô nghiền để nuôi cá. 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn